English

Tài chính ngân hàng tuần từ 18-24/3: Tín dụng hồi phục, lãi suất giảm

Việc Ngân hàng Nhà nước chuẩn bị bắt tay vào xử lý nợ xấu cũng là thông tin nổi bật trong tuần. 
 

 

 

Tín dụng tháng 2 tăng trở lại

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, tín dụng toàn hệ thống tháng 2 tăng trưởng 0,26%, sau khi giảm 1,23% ở tháng 1. Tính chung 2 tháng đầu năm, tín dụng vẫn âm 0,28%, tích cực hơn so với mức âm 1,88% cùng kỳ năm 2012. Huy động vốn của toàn hệ thống tăng 2% trong 2 tháng đầu năm, gấp hơn 2 lần mức tăng cùng kỳ năm ngoái.

Sang tháng 3, theo số liệu của Cục thống kê Hà Nội, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đạt 902.086 tỷ đồng, tăng 5,2% so cuối tháng trước và tăng 0,6% so cuối năm 2012. Tổng dư nợ cho vay tháng 3/2013 đạt 649.661 tỷ đồng, tăng 5,4% so cuối tháng trước và giảm 0,5% so cuối năm 2012.

Còn theo báo cáo của Cục Thống kê Tp. Hồ Chí Minh, tổng vốn huy động trên địa bàn thành phố đến đầu tháng 3 đạt 1.011,4 ngàn tỷ, tăng 0,83% so tháng trước, tăng 13,5% so cùng kỳ.Tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn thành phố đến đầu tháng 3 đạt 850,8 ngàn tỷ đồng, giảm 0,5% so tháng 2 song tăng 12,9% so cùng kỳ.

SCB được tái cơ cấu các khoản tiền gửi/vay

Công ty CP Quản lý Quỹ Đầu tư Chứng khoán Hapaco (IFM) “cầu cứu” về việc Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) không thanh toán hết tiền gửi và lãi phạt của IMF, còn hơn 550 tỷ đồng. 

SCB cho rằng do hai bên chưa thống nhất được với nhau về mức lãi suất. SCB đã trình NHNN và NHNN có ý kiến xử lý theo hướng các món tiền gửi của IFM như tiền gửi liên ngân hàng. IFM tuy nhiên cho rằng việc phân loại món tiền của công ty này dưới dạng tiền gửi trên liên ngân hàng là không có cơ sở, bởi IFM trước hết không phải là tổ chức tín dụng.

NHNN sau đó lên tiếng cho biết SCB đang đẩy mạnh tái cơ cấu và phương án cơ cấu lại nợ thị trường 2 đã được phê duyệt. NHNN cũng đã chủ trì cuộc họp với các TCTD chủ nợ của SCB để thống nhất nguyên tắc cơ cấu lại khoản tiền vay/tiền gửi của các TCTD và tổ chức tài chính nhận ủy thác của tổ chức tín dụng tại SCB

Ngân hàng lẳng lặng giảm lãi suất

Một số ngân hàng lặng lẽ giảm lãi suất huy động, mức giảm cao nhất lên tới 1%. Lãi suất kỳ hạn trên 1 tháng ở Vietcombank thấp nhất còn 7,5%/năm; tại ACB còn 7,6 – 7,8%/năm. Ngân hàng nhỏ giảm lãi suất huy động kỳ hạn dài, xuống dưới 12%/năm.

Lãi suất huy động giảm, các chuyên gia cho rằng lãi suất cho vay cũng phải giảm theo. Giảm lãi suất mới giải quyết được các điểm nghẽn khác của nền kinh tế như nợ xấu, kích thích sản xuất tiêu dùng, phá băng bất động sản…

Chuẩn bị thành lập VAMC

Tại hội nghị triển khai các giải pháp tiền tệ, ngân hàng nhằm thúc đẩy, hỗ trợ phát triển KT-XH trên địa bàn Đà Nẵng ngày 20/3, Thống đốc NHNN cho biết Đề án xử lý nợ xấu và VAMC có thể được Chính phủ phê duyệt trong tuần này. Một số nguồn tin cho hay, dự kiến đầu tháng 4 VAMC bắt đầu đi vào hoạt động và sẽ xử lý được khoảng một nửa số nợ xấu.

Trả lời phỏng vấn của Bloomberg qua điện thoại, ông Lê Xuân Nghĩa - thành viên của Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia – cũng cho biết công ty quản lý tài sản (VAMC) sẽ được thành lập trong tháng 3. 

Cũng tại Hội nghị ở Đà Nẵng, ông Nguyễn Bá Thanh, trưởng Ban Nội chính Trung ương tiếp tục “nắn gân” ngân hàng. Ông khuyến cáo với Thống đốc NHNN, việc tháo gỡ nợ xấu nếu làm không khéo sẽ rất dễ phát sinh tiêu cực.

Trước ngày VAMC đi vào hoạt động, bức tranh về nợ xấu ngân hàng vẫn phủ một màu xám với đầy các số liệu "khủng".

Thành Hưng

Theo TTVN

Thong ke